Nhiễm trùng huyết không chỉ nguy hiểm vì độc lực, độc tố của vi khuẩn, mà còn vì các chất hóa học trung gian của hệ thống miễn dịch giải phóng vào máu, kích hoạt phản ứng viêm toàn thân chống lại nhiễm trùng nhưng lại làm tổn thương mô và cơ quan trong cơ thể.
1. Tìm hiểu chung
Nhiễm trùng huyết là gì?
Nhiễm trùng huyết (nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng) là những thuật ngữ y khoa chỉ tình trạng cơ thể chịu sự tấn công của vi trùng dẫn đến phản ứng quá mức và gây ra hiện tượng suy đa tạng. Sau khi tấn công vào cơ thể, vi trùng sản sinh ra độc tố kết hợp với các chất hóa học trung gian do hệ miễn dịch sản sinh vào máu và dẫn đến phản ứng kích thích toàn cơ thể làm tổn thương mô và cơ quan nội tạng.
Mặc dù y học hiện đại có những tiến bộ đáng kể trong việc điều trị nhiễm trùng huyết, nhưng đến nay nhiễm trùng huyết vẫn là một thách thức vì nguy cơ tử vong cao. Đồng thời, nhiễm trùng huyết tạo gánh nặng chi phí điều trị, thời gian nằm viện và đề kháng kháng sinh đối với bệnh nhân.
2. Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của nhiễm trùng huyết
Nhiễm trùng huyết là một tình trạng nhiễm trùng rất nghiêm trọng có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm. Quan ngại lớn nhất của nhiễm trùng huyết là tập hợp những biểu hiện lâm sàng của tình trạng nhiễm trùng – nhiễm độc toàn thân, gây choáng (sốc), suy đa tạng và tử vong nhanh. Các biểu hiện:
- Sốt: Sốt cao trên 38oC là dấu hiệu đầu tiên và quan trọng nhất của nhiễm trùng huyết;
- Hạ thân nhiệt: Trong một số hiếm trường hợp, đáp ứng của cơ thể với tình trạng nhiễm trùng là hạ thân nhiệt. Hạ thân nhiệt có thể là tình trạng nhiễm trùng huyết nặng hơn và tiên lượng cũng xấu hơn;
- Ớn lạnh: Ớn lạnh kèm theo sốt và một số dấu hiệu điển hình khác, bệnh nhân có thể được chẩn đoán nhiễm trùng huyết;
- Thở nhanh: Khi nhiễm trùng xảy ra ở phổi, lượng oxy cơ thể hít vào giảm đi do đó bệnh nhân phải thở nhanh hơn để đáp ứng nhu cầu oxy, điều này khiến người bệnh khó thở;
- Đau nhức: Xảy ra ở toàn bộ cơ thể hoặc chỉ một số bộ phận;
- Tim đập nhanh, hạ huyết áp: Tim cố gắng bơm máu đi để chống lại tình trạng nhiễm trùng do đó nhịp đập nhanh hơn bình thường. Huyết áp hạ là một trong những triệu chứng có thể dẫn đến sốc nhiễm trùng – giai đoạn nghiêm trọng nhất của nhiễm trùng huyết;
- Vùng da đổi màu: Khi bị nhiễm trùng huyết, cơ thể ưu tiên vận chuyển máu tới các cơ quan quan trọng nhất của cơ thể, máu cũng di chuyển từ các cơ quan ít quan trọng hơn tới các cơ quan quan trọng để giúp bạn duy trì sự sống dẫn đến lượng máu tới da có thể giảm đi và khiến da trở nên tím tái, nhợt nhạt;
- Tâm thần kinh: Mệt mỏi, li bì, lơ mơ hoặc vật vã kích thích và hôn mê. Rối loạn ý thức thường đi kèm shock nhiễm khuẩn;
- Gan, lách to: Phản ứng của hệ võng nội mô, thường hay gặp gan to nhiều hơn lách to.
- Không phải tất cả các ca bệnh nhiễm trùng huyết đều có biểu hiện giống nhau, tùy vào từng trường hợp với mức độ khác nhau mà triệu chứng sẽ có sự thay đổi.
Biến chứng có thể gặp khi mắc nhiễm trùng huyết
- Hậu quả của nhiễm trùng máu là hết sức nặng nề, có thể gây viêm nội mạc mao quản, gan, lách sưng to, áp-xe não, viêm màng não, suy thận cấp hoặc tác động xấu đến xương khớp (viêm tủy xương, viêm tràn dịch mủ khớp), viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, viêm tắc tĩnh mạch thứ phát, viêm động mạch.
- Bệnh nhân nhiễm trùng huyết thường có tiên lượng tử vong cao hơn những bệnh nhân mắc các nhiễm trùng khác. Biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra khi mắc nhiễm trùng huyết:
- Sốc nhiễm trùng: Khó thở, nhịp tim nhanh, rối loạn tâm thần,… Biến chứng sốc nhiễm trùng gây tỷ lệ tử vong cao. Tình trạng diễn biến nặng hơn với người cao tuổi, trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh;
- Hội chứng suy hô hấp cấp (ARDS): Suy hô hấp cấp tiến triển là vấn đề lớn nhất trong hồi sức cấp cứu với tỷ lệ dẫn đến tử vong lên tới 45%. Suy hô hấp tiến triển gây ra một loạt biểu hiện nặng, khởi phát nhanh: Thiếu oxy máu, thâm nhiễm phổi lan tỏa dẫn đến suy hô hấp;
- Rối loạn đông máu: Máu chảy không đông lại như bình thường do sự thiếu hụt các yếu tố đông máu. Người mắc biến chứng này dễ rơi vào tình trạng nguy kịch, trụy mạch do sốc nhiễm trùng;
- Suy giảm chức năng gan, thận: Gan, thận bị tổn thương đến mức không thể tự phục hồi và hoạt động bình thường trở lại.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nhận thấy sự xuất hiện của bất kỳ dấu hiệu, triệu chứng nào thì tốt nhất nên đến ngay bệnh viện để được thăm khám, xét nghiệm và được các bác sĩ chuyên khoa hướng dẫn điều trị.
Tuyệt đối không được thờ ơ trước các bất thường của cơ thể, vì có thể khiến bệnh tiến triển đến mức trầm trọng, việc chữa trị vô cùng khó khăn và gặp không ít rủi ro, biến chứng.
3. Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến nhiễm trùng huyết
- Nhiễm trùng huyết cấp tính có nguyên nhân từ vi khuẩn lưu hành trong máu dẫn đến suy đa phủ tạng, sốc nhiễm khuẩn với tỉ lệ tử vong rất cao.
- Viêm phổi, nhiễm trùng ổ bụng, du khuẩn huyết, u nhọt, nhiễm trùng thần kinh trung ương,... cũng là nguyên nhân khởi phát gây nhiễm trùng huyết. Ngoài ra, nhiễm trùng huyết còn gây ra bởi:
- Nhiễm trùng da: Nhiễm trùng da lâu ngày không điều trị là nguyên nhân gây nhiễm khuẩn huyết;
- Nhiễm trùng đường tiết niệu: Khoảng 25% bệnh nhân bị nhiễm trùng huyết gây ra do nhiễm trùng đường tiết niệu.
- Nhiễm trùng đường tiêu hóa: Nấm men, vi khuẩn hoặc ký sinh trùng là nguyên nhân chính gây nhiễm trùng đường tiêu hóa, một trong những nguyên nhân gây nhiễm trùng huyết.
Tác nhân gây nhiễm trùng huyết thường gặp
- Vi khuẩn Gram âm họ Enterobacteriaceae: Salmonella, Escherichia coli, Klebsiella, Serratia và các vi khuẩn Enterobacter, Pseudomonas aeruginosa, Burkholderia pseudomallei,…
- Vi khuẩn Gram dương: Streptococcus pneumoniae, Staphylococcus aureus, Streptococcus suis,...
- Nấm: Candida, Trichosporon asahii,…
- Các vi khuẩn kỵ khí: Clostridium perfringens và Bacteroides fragilis,…
4. Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ mắc phải nhiễm trùng huyết
Nhiễm trùng huyết có thể xảy ra ở bất cứ ai, bất cứ độ tuổi nào. Mức độ nguy hiểm của nhiễm trùng huyết phụ thuộc vào yếu tố: Tuổi tác, bệnh lý nền, sức khỏe tổng thể và thời gian phát hiện bệnh. Nhiễm trùng huyết phát hiện càng sớm thì cơ hội điều trị bệnh càng cao.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải nhiễm trùng huyết
Có rất nhiều yếu tố có thể tăng nguy cơ mắc bệnh này, như:
- Người bị suy yếu hệ miễn dịch;
- Mắc các bệnh lý mạn tính như: Xơ gan, đái tháo đường, HIV/AIDS, bệnh van tim và tim bẩm sinh, bệnh phổi mạn tính, suy thận mạn tính,...
- Bệnh gây nhiễm trùng không được điều trị đúng cách: Viêm màng não, viêm đường tiết niệu, viêm phổi, viêm ruột thừa,...
- Bỏng hoặc chấn thương nặng tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào máu;
- Trẻ sinh non yếu, trẻ sơ sinh, người cao tuổi;
- Trẻ nhỏ có vết thương hở, mắc bệnh nhiễm khuẩn;
- Người bị suy dinh dưỡng;
- Người đã ghép tạng hoặc có phẫu thuật;
- Dùng kim tiêm mất vệ sinh;
- Dùng corticoid trong thời gian dài;
- Đang điều trị hóa chất, tia xạ;
- Người sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, thuốc chống thải ghép;
- Người bệnh cắt lách, nghiện rượu, bệnh máu ác tính, giảm bạch cầu hạt;
- Bệnh nhân có sử dụng các thiết bị hoặc dụng cụ xâm nhập cơ thể: Đặt ống dẫn truyền, đặt ống nội khí quản,…
5. Phương pháp chẩn đoán và điều trị
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán nhiễm trùng huyết
Chẩn đoán xác định nhiễm khuẩn trùng huyết cần dựa vào triệu chứng lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng. Một số xét nghiệm nhiễm trùng huyết thường được sử dụng:
- Cấy máu: Tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán xác định nhiễm trùng huyết;
- Tổng phân tích tế bào máu ngoại vi: Đánh giá tình trạng sức khỏe hiện tại bằng cách phát hiện các rối loạn của cơ thể;
- Định lượng các chỉ điểm viêm như tốc độ máu lắng (VS), CRP, procalcitonin: Xét nghiệm Multiplex PCR là phương pháp có độ nhạy cao, thực hiện nhanh, có giá trị hỗ trợ cho cấy máu để chẩn đoán nhiễm trùng huyết bằng cách xác định ADN của vi khuẩn trong mẫu máu bệnh nhân;
- Định lượng nồng độ lactate máu: Xác định lượng lactate có trong máu người bệnh, giúp kiểm soát tình trạng tăng lactate trong máu và có biện pháp can thiệp kịp thời;
- Xét nghiệm chức năng thận, gan: Xác định mức creatinin, ure huyết thanh, protein niệu và các tế bào nước tiểu;
- Xét nghiệm đánh giá chức năng gan thận: Xác định nồng độ protein và enzyme trong máu, giúp kiểm tra chức năng của gan, thận qua đó phát hiện được các tổn thương.
Phương pháp điều trị nhiễm trùng huyết
Nhiễm trùng huyết ở mức độ nào cũng có khả năng đe dọa đến tính mạng người bệnh. Điều trị nhiễm trùng huyết bao gồm: Chẩn đoán, điều trị nguyên nhân, điều trị triệu chứng, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe và nâng cao sức đề kháng. Cụ thể:
- Điều trị bằng kháng sinh: Đa số các trường hợp nhiễm trùng huyết là do vi khuẩn, do đó, kháng sinh vẫn có hiệu quả điều trị. Các kháng sinh thường được sử dụng trong điều trị nhiễm trùng huyết: Ceftriaxone, vancomycin, piperacillin, azithromycin, ciprofloxacin và tazobactam. Sử dụng kháng sinh theo chỉ định bác sĩ;
- Điều trị bằng thuốc kháng nấm hoặc thuốc kháng virus: Trong trường hợp nhiễm trùng máu gây ra do nấm hoặc virus, người bệnh sẽ được điều trị bằng thuốc kháng nấm hoặc virus, thuốc sẽ được dùng qua đường tiêm tĩnh mạch;
- Truyền dịch: Người bị nhiễm trùng huyết thường bị hạ huyết áp, do đó cần truyền dịch để tăng huyết áp. Dung dịch tiêm truyền chủ yếu là nước muối bình thường hoặc nước có chứa các khoáng chất;
- Liệu pháp oxy: Tăng cường cung cấp oxy cho máu bằng: Ống thông qua mũi, mặt nạ oxy hay thở máy;
- Lọc máu: Trong trường hợp suy thận cấp, sử dụng thiết bị thay thế chức năng thận để loại bỏ chất thải nguy hại, muối và nước dư thừa trong máu;
- Phẫu thuật: Phương pháp điều trị tận gốc nhiễm trùng huyết trong trường hợp xác định được nguồn gốc nhiễm trùng. Đặc biệt, khi nhiễm trùng huyết biến chứng thành áp xe, phẫu thuật cắt bỏ áp xe cần được tiến hành ngay lập tức;
- Tăng cường sức đề kháng của cơ thể: Truyền máu, đạm, sinh tố kết hợp với chế độ ăn: Tăng đạm, hoa quả.
6. Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp hạn chế diễn tiến của nhiễm trùng huyết
- Tuyệt đối không tự ý bỏ thuốc hoặc mua thuốc không có trong đơn thuốc của bác sĩ;
- Lắng nghe và làm theo mọi hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ;
- Liên hệ ngay với bác sĩ khi có những bất thường xuất hiện trong quá trình điều trị;
- Thăm khám định kỳ để được theo dõi diễn tiến của bệnh và tình trạng sức khỏe;
- Thể dục thể thao nâng cao sức khỏe;
- Chế độ ăn uống cân bằng, đầy đủ chất đinh dưỡng theo khuyến cáo bác sĩ.
Phương pháp phòng ngừa nhiễm trùng huyết
- Nâng cao thể trạng, sức đề kháng của cơ thể, cung cấp đầy đủ dinh dưỡng và cân bằng: Chế độ ăn đối với người nhiễm trùng huyết rất quan trọng. Nó giúp cải thiện hệ thống miễn dịch, giúp bệnh nhân khỏe mạnh và hạn chế các triệu chứng của bệnh. Bệnh nhân nhiễm trùng máu nên ăn các loại thực phẩm: Giàu vitamin đặc biệt là vitamin C, chất sắt, giàu protein, chất xơ và khoáng chất.
- Tránh làm tổn thương da và gây vết thương hở;
- Điều trị tốt các bệnh lý nền: Đái tháo đường, xơ gan,…
- Để phòng ngừa nhiễm trùng máu cần tích cực điều trị dứt điểm sớm các ổ nhiễm khuẩn ban đầu (áp-xe, mụn, nhọt, các chấn thương, vết thương nhiễm trùng,…);
- Chống nhiễm trùng tại bệnh viện: Vô trùng tuyệt đối các dụng cụ y tế, cán bộ y tế trước khi thực hiện các thủ thuật, phẫu thuật phải tuyệt đối vô trùng, tránh xảy ra nhiễm trùng bệnh viện;
- Tiêm vắc xin phòng ngừa nhiễm trùng máu: Vi khuẩn phế cầu, vi khuẩn não mô cầu,… là những tác nhân gây ra nhiễm trùng máu ở trẻ nhỏ và người lớn. Phương pháp bảo vệ khỏi các loại vi khuẩn này hiệu quả nhất là chủng ngừa vắc xin.
Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.
Nguồn tham khảo:
https://www.msdmanuals.com/
https://www.healthline.com/health/bacteremia
https://vnvc.vn/nhiem-trung-mau/