Ở Việt Nam, tiêu chảy do virus Rota là một trong 10 bệnh lý gây tử vong hàng đầu cho trẻ em. Bệnh rất phổ biến nhưng cũng dễ bị nhầm lẫn với bệnh tiêu chảy do những nguyên nhân khác nên nhiều cha mẹ không phát hiện sớm và điều trị phù hợp sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng. Chúng ta cùng tìm hiểu bài viết dưới đây.
1. Tìm hiểu chung
Bệnh tiêu chảy do virus Rota là gì?
Tiêu chảy do virus Rota là bệnh cấp tính do virus gây nên. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ với các triệu chứng nôn ói, tiêu chảy, đau bụng, mất nước dễ dẫn đến trụy mạch và tử vong nếu không điều trị kịp thời. Rotavirus không phải là nguyên nhân duy nhất nhưng là thủ phạm phổ biến nhất gây ra tiêu chảy ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi.
Đây là bệnh rất phổ biến đứng thứ hai sau nhiễm trùng hô hấp cấp tính ở trẻ em mà các bậc cha mẹ cần đặc biệt lưu ý.
2. Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh tiêu chảy do virus Rota
Nôn ói: Xuất hiện trước tiêu chảy khoảng 6-12 giờ và có thể kéo dài 2-3 ngày. Trẻ nôn rất nhiều vào ngày đầu và giảm bớt khi bắt đầu đi tiêu chảy.
Sốt: Thường sốt nhẹ và vừa, ít khi sốt cao, thường xuất hiện và kéo dài 2-3 ngày đầu. Tuy nhiên một số trường hợp sốt cao trên 40 độ C có thể gây có giật.
Tiêu chảy: Thường xuất hiện sau triệu chứng sốt và nôn giảm, trẻ đi phân lỏng toàn nước trên 3 lần/ngày, có lúc màu xanh, có thể có đàm nhưng không có máu. Tiêu chảy ngày càng tăng trong vài ngày, sau đó giảm dần sau 4-8 ngày.
Đau bụng: Phần lớn trẻ quấy hơn bình thường.
Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh
Bệnh tiêu chảy cấp do virus Rota tưởng chừng đơn giản nhưng có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường như trẻ suy dinh dưỡng, kiệt sức thậm chí có thể dẫn đến tử vong nếu không được chữa trị kịp thời.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.
3. Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến bệnh tiêu chảy do virus Rota
Tác nhân gây tiêu chảy chính là Rotavirus. Các nghiên cứu sau này đã xác định vi rút Rota thuộc họ Reoviridae. Baoming (1995) chia vi rút Rota thành 7 nhóm A, B, C, D, E, F và G, trong đó chỉ có nhóm A, B, C gây bệnh cho người. Nhóm A hay gặp nhất, gây ra hầu hết các vụ dịch tiêu chảy nặng ở trẻ em, nhóm B và C thường gây các vụ dịch lẻ tẻ, hay gặp ở trẻ lớn và người trưởng thành. Trên thế giới, ghi nhận chủ yếu là 4 chủng G1P8, G3P8, G4P8, G2P4; ở Việt Nam, chủng G1P8 chiếm đa số.
Rota virus lây truyền qua đường miệng. Khi trẻ cầm nắm đồ chơi hoặc chạm tay vào các bề mặt có virus bám dính rồi đưa tay lên miệng, virus sẽ dễ dàng xâm nhập vào đường tiêu hóa của trẻ và nhiễm bệnh. Virus này bám trên tay đến 4 giờ và trên các bề mặt cứng đến vài tuần.
Bên cạnh đó, môi trường ô nhiễm cũng là điều kiện lý tưởng để virus Rota gây bệnh.
4. Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ mắc phải bệnh tiêu chảy do virus Rota
Tất cả trẻ em đều có nguy cơ nhiễm Rotavirus, trong đó, trẻ em từ 6 tháng đến 2 tuổi là những đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh cao nhất. Ở độ tuổi này trẻ thích khám phá thế giới xung quanh bằng cách ngậm đồ chơi hay thích mút tay, hành động này rất dễ làm cho virus xâm nhập vào cơ thể trẻ.
Phương pháp chẩn đoán và điều trị
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh tiêu chảy do virus Rota
Chẩn đoán phân biệt với một số bệnh tương tự như tả, thương hàn, E.Coli và một số bệnh tiêu chảy khác.
Phân lỏng, nhớt nhưng không có máu, đây là đặc điểm quan trọng để phân biệt với tiêu chảy do vi khuẩn.
Xét nghiệm bằng phương pháp chẩn đoán nhanh phát hiện virus hoặc kháng nguyên:
Loại mẫu bệnh phẩm: Lấy bệnh phẩm phân trong tuần lễ đầu của bệnh hoặc hút dịch tá tràng hoặc lấy huyết thanh bệnh nhân.
Phương pháp xét nghiệm: Dùng kỹ thuật kính hiển vi điện tử, miễn dịch huỳnh quang trực tiếp, miễn dịch phóng xạ, ngưng kết hồng cầu thụ động, ngưng kết hạt latex, điện di, ELISA.
Bệnh tiêu chảy do vi rút Rota là bệnh cấp tính, nếu không chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong do mất nước và điện giải.
Phương pháp điều trị bệnh tiêu chảy do virus Rota hiệu quả
Nguyên tắc điều trị: Kháng sinh không có tác dụng đối với bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus. Ở thể nhẹ không có biến chứng, bệnh thường tự khỏi sau 3-4 ngày. Việc điều trị chủ yếu là bù nước và chất điện giải khi trẻ bị mất nước.
Bù nước bằng đường uống hoặc truyền tĩnh mạch: Cho trẻ uống nhiều nước hơn hoặc sử dụng Oresol theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu không thể bù nước cho trẻ bằng đường uống và có biểu hiện mất nước, cần đưa ngay đến bệnh viện để truyền dịch kịp thời.
Nếu trẻ sốt thì dùng thuốc hạ sốt chứa paracetamol (Hapacol các hàm lượng 80 mg, 150 mg, 250 mg, 325 mg) dựa theo cân nặng của trẻ.
Cho trẻ ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng phù hợp với độ tuổi.
Tuyệt đối không dùng thuốc cầm tiêu chảy cho trẻ vì làm giảm nhu động ruột gây liệt ruột khiến phân không thải ra ngoài, virus sẽ ứ đọng lâu hơn gây chướng bụng, tắc ruột, nhiễm trùng nhiễm độc, thậm chí tử vong.
5. Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh tiêu chảy do virus Rota
Chế độ dinh dưỡng:
Dinh dưỡng: Cho trẻ ăn thức ăn lỏng, mềm, dễ tiêu hóa, đầy đủ chất dinh phù hợp theo lứa tuổi, chia nhỏ nhiều bữa nhỏ, ăn từng thìa nhỏ, không nên ép trẻ ăn, nếu trẻ nôn trớ, cho trẻ ăn chậm hơn. Hạn chế thức ăn, đồ uống có chứa nhiều đường vì có thể là tăng tiêu chảy.
Chế độ sinh hoạt:
Không để trẻ bò lê la trên sàn, ngậm tay hoặc ngậm đò chơi do trẻ đang bệnh thải ra phân một lượng lớn virus nên dễ dàng lây cho trẻ khác lẫn người chăm sóc.
Tã lót, chất nôn của trẻ cần được cho vào bao nilon, buộc chặt kín rồi cho vào thùng rác.
Người chăm sóc cần chú ý rửa sạch tay trước khi chuẩn bị thức ăn cho trẻ và sau khi thay tã.
Cho trẻ nghỉ học cho đến khi hết tiêu chảy để tránh lây lan cho các trẻ khác ở trường học.
Phương pháp phòng ngừa tiêu chảy do virus Rota
Giữ vệ sinh tay sạch sẽ, rửa tay thường xuyên theo chuẩn của Bộ Y tế. Lau chùi, vệ sinh khu vực đồ chơi, bàn ghế của trẻ bằng dung dịch sát khuẩn.
Tổ chức Y tế thế giới WHO khuyến cáo nên cho trẻ nhỏ uống Vắc-xin phòng tiêu chảy do virus Rota và phê chuẩn cho sử dụng 2 loại vắc xin Rota (RotaTeq của hãng Meck và Rotarix của hãng Glaxo Smith Kline).
Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.
Nguồn tham khảo
https://vncdc.gov.vn/
https://bvcmay.thuathienhue.gov.vn/
https://thuvienyhoc.edu.vn/