Viêm màng não mô cầu là bệnh lý nhiễm khuẩn nguy hiểm gặp ở trẻ em. Các triệu chứng ban đầu giống hệt với triệu chứng của bệnh cúm do đó khiến nhiều người nhầm lẫn, khó chẩn đoán. Nếu không được điều trị kịp thời, khoảng 50-70% trẻ mắc bệnh này nhập viện tử vong.
1. Tìm hiểu chung
Bệnh màng não mô cầu là gì?
Bệnh viêm màng não mô cầu là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính xảy ra đột ngột làm cho bệnh nhân cảm thấy lơ mơ hoặc hôn mê. Có trường hợp bệnh nhân biểu hiện mệt lả đột ngột, xuất hiện mảng xuất huyết và shock. Ngày nay, nếu phát hiện sớm và điều trị tích cực thì tỷ lệ tử vong từ 5% đến 15%. Đôi khi nhiều người bị nhiễm não mô cầu nhưng chỉ có sốt và/hoặc viêm mũi họng.
Nhiễm khuẩn không có triệu chứng thường hay gặp trong các đơt dịch là nguồn lây truyền dịch rất quan trọng trong cộng đồng.
Tác nhân gây bệnh là Neisseria meningitidis, còn gọi là meningococcus. Dựa vào những kháng nguyên polyozit, người ta chia vi khuẩn não mô cầu thành 4 nhóm chính là A, B, C và D. Trong đó, não mô cầu nhóm A và B thường hay gặp nhất.
2. Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh viêm màng não mô cầu
Các biểu hiện bệnh ban đầu rất giống với biểu hiện của bệnh cúm mùa thường gặp vào thời giểm giao mùa.
- Sốt cao đột ngột 39-40 độ C (có khi đến 40 – 41 độ C).
- Đau đầu dữ dội, buồn nôn, nôn, cổ cứng, có thể có đốm xuất huyết.
- Thường có ban xuất huyết hình sao hoặc có thể có mụn nước.
- Nước não tuỷ đục.
- Sốt cao đột ngột.
- Đau đầu dữ dội (trẻ quấy khóc rất nhiều).
- Nôn và buồn nôn (trẻ kém ăn, bỏ ăn, bỏ bú, người mệt mỏi, lừ đừ).
- Dấu hiệu cổ cứng đặc trưng cho tình trạng viêm màng não (do bác sĩ khám và xác định). Trẻ dưới 1 tuổi có thể thấy thóp phồng lên bất thường.
Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh
Các biến chứng của bệnh gây nguy hiểm cho người bệnh như nhiễm trùng huyết, viêm màng não, tổn thương nhiều cơ quan…Trẻ em trong độ tuổi thanh thiếu niên từ 11 đến 17 tuổi có khả năng mắc bệnh cao sau trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Khả năng trở nặng và tử vong cao lên tới 50% nếu không được điều trị kịp thời.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.
3. Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm màng não mô cầu
Bệnh viêm viêm màng não mô cầu thường khởi phát cấp tới tối cấp. Bệnh lây truyền từ người sang người, chủ yếu qua đường hô hấp, do hít phải các giọt bắn dịch tiết đường hô hấp có chứa vi khuẩn não mô cầu từ người bệnh. Cũng có thể do dùng chung đồ ăn, thức uống, vật dụng với người mang mầm bệnh.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ mắc phải bệnh viêm màng não mô cầu?
Bệnh có thể xuất hiện ở bất cứ lứa tuổi nào, đặc biệt trẻ em dưới 5 tuổi và thanh thiếu niên từ 15 đến 24 tuổi là đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn.
4. Phương pháp chẩn đoán và điều trị
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh viêm màng não mô cầu
Xét ngiệm cận lâm sàng
Loại mẫu bệnh phẩm gồm:
- Chất nhầy ở thành họng;
- Lấy máu hoặc chích mụn nước hoặc ban xuất huyết;
- Lấy dịch não tuỷ.
Phương pháp xét nghiệm
Nhuộm gram soi kính hiển vi tìm song cầu khuẩn hình hạt cà phê, gram -, nằm trong bào tương của bạch cầu đa nhân.
Phân lập vi khuẩn não mô cầu.
Lâm sàng
- Yếu tố dịch tễ: Có tiếp xúc với bệnh nhân hoặc sống trong môi trường đông người như nhà trẻ, trường học, ký túc xá, …) đã được xác định bị mắc bệnh viêm não mô cầu.
- Thời gian ủ bệnh trung bình là 4 ngày (2-10 ngày).
- Biểu hiện nhiễm trùng rõ: Sốt cao đột ngột, có thể có rét run, ho, đau họng, mệt mỏi, nhức đầu.
Dấu hiệu màng não - não:
- Đau đầu dữ dội, buồn nôn, nôn, táo bón, gáy cứng, (trẻ nhỏ có thể có tiêu chảy, thóp phồng và gáy mềm).
- Rối loạn ý thức, li bì, kích thích vật vã, có thể có co giật, hôn mê.
- Ban xuất huyết hoại tử hình sao, xuất hiện sớm và lan nhanh, thường gặp ở hai chi dưới.
- Tình trạng nhiễm trùng nhiễm độc nặng, nhanh chóng vào tình trạng sốc: Mạch nhanh, HA hạ hoặc HA kẹt (hiệu số huyết áp tâm thu – tâm trường < 20 mmHg), thiểu niệu, vô niệu, đông máu nội mạch rải rác, suy thượng thận, suy đa tạng và có thể tử vong nhanh trong vòng 24h.
Chẩn đoán xác định
- Phân lập vi khuẩn não mô cầu (+) trong dịch não tuỷ hoặc trong máu.
- PCR (+) với N.meningitidis trong dịch não tủy.
5. Phương pháp điều trị
Nguyên tắc điều trị
- Chẩn đoán sớm ca bệnh;
- Sử dụng kháng sinh sớm;
- Hồi sức tích cực;
- Cách ly bệnh nhân.
Điều trị hỗ trợ và triệu chứng
- Hạ sốt bằng paracetamol;
- An thần;
- Điều trị suy tuần hoàn, sốc: Bù dịch, thuốc vận mạch;
- Hỗ trợ hô hấp;
- Điều chỉnh nước, điện giải và thăng bằng kiềm toan.
Điều trị cụ thể
Kháng sinh: Dùng một trong các kháng sinh sau:
- Penicillin G: 20 – 30 triệu UI (đơn vị quốc tế)/ngày, truyền tĩnh mạch liên tục hoặc tiêm tĩnh mạch 2 - 4giờ/lần. Trẻ em 200.000-300.000UI/kg/ngày.
- Ampicillin: 2g/lần, tiêm tĩnh mạch 6h/lần. Trẻ em 200-250 mg/kg/ngày.
- Cefotaxim: 2g/lần, tiêm tĩnh mạch 6giờ/lần. Trẻ em 200-300mg/kg/ngày.
- Ceftriaxon: 2g/lần, tiêm tĩnh mạch12h/lần. Trẻ em 100mg/kg/ngày.
- Trường hợp dị ứng với các kháng sinh nhóm β–lactam thì đổi sang dùng Ciprofloxacin 400 mg, Chloramphenicol 1g.
6. Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh viêm màng não mô cầu
Chế độ dinh dưỡng:
- Nên ăn nhiều các loại trái cây tươi chứa nhiều vitamin C như ổi, cam, chanh…
Chế độ sinh hoạt:
- Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng (theo đúng chuẩn của Bộ y tế), súc họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường.
- Đồ dùng và chất thải của bệnh nhân nên bỏ vào thùng rác riêng để xử lý.
Phương pháp phòng ngừa viêm màng não mô cầu hiệu quả
- Đeo khẩu trang khi tiếp xúc hoặc chăm sóc người bệnh.
- Thực hiện tốt vệ sinh nơi ở, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc.
- Chủ động tiêm phòng vắc xin phòng bệnh cho trẻ, vắc xin được tiêm tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ. Hiện nay đã có vắc xin phòng bệnh não mô cầu nhóm A, B và C. Có thể tiêm cho trẻ từ 2 tuổi trở lên, tiêm 1 liều duy nhất, nhắc lại mỗi 3 năm/lần.
- Khi có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cổ cứng, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.
Nguồn tham khảo
Quyết định số 975/QĐ-BYT ngày 29 tháng 3 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế về hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh nhiễm Não mô cầu
Nguyễn Trần Chính, Bệnh Nhiễm Não Mô Cầu, "Bệnh Truyền Nhiễm", Bộ môn Nhiễm Trường Đại Học Y Dược TP.HCM - Nhà xuất bản Y học - Chi nhánh Tp. HCM - 1997 - Trang 111 -127
https://vncdc.gov.vn/benh-viem-mang-nao-do-nao-mo-cau-nd14520.html