1. Đặc điểm của vị thuốc bổ cốt chỉ
Bổ cốt chỉ hình bầu dục bẹt, hơi giống quả thận, bề mặt có màu gụ xám, có vân lưới nhỏ li ti, dài 3 – 5 mm, đường kính 2 – 4 mm, dày độ 1,5 mm.
Quả có vỏ mỏng, giữa vỏ quả và vỏ hạt khó tách nhau ra, vỏ cứng, mùi thơm nhẹ, vị đắng. Loại nào hạt to, mẩy đều, mầu đen, không lẫn tạp chất là loại tốt.
2. Tính chất và công dụng của bổ cốt chỉ
Bổ cốt chỉ tính ôn, vị cay, đắng, lợi về kinh thận tỳ; có công dụng bổ thận cường dương, cố tinh, giảm nước tiểu, ôn tì hãm tả; phù hợp với các bệnh liệt dương, di tinh, di niệu, tiểu đêm, tiểu nhiều lần, thắt lưng và đầu gối đau lạnh, thận hư sinh hen, suốt 5 canh tiêu chảy. Dùng ngoài, chữa bệnh phong bạch biến, đốm da, hói đầu...
Theo các nghiên cứu hiện đại, bổ cốt chỉ có hàm chứa các chất dầu bay hơi, chất béo thực vật, các hợp chất của ceton... có tác dụng kháng khuẩn, tác dụng kích thích tốt đối với giống đực.
Ngoài ra còn có tác dụng giãn mạch cơ tim, và vì nó có chất béo nên có thể thúc đẩy sự sản sinh các sắc tố mới trên da, có thể chữa được bệnh bạch biến, và rút ngắn thời gian chảy máu một cách rõ rệt; chất dầu bay hơi còn có tác dụng hỗ trợ phòng chống chống ung thư.
3. Các bài thuốc từ bổ cốt chỉ
3.1. Bổ cốt chỉ hầm cật lợn
Thành phần: Bổ cốt chỉ 10g, cật lợn 1 quả.
Rửa sạch, thái vụn, ninh chung với nhau, cho thêm mắm muối gia vị, uống thang, ăn thịt. Dùng cho người thận hư, tiêu chảy lâu ngày, di tinh, tai ù, nghe kém...
3.2. Cháo bổ cốt chỉ tiểu hồi hương, cật lợn
Thành phần: Bổ cốt chỉ 10g, tiểu hồi hương 10g, cật lợn 1quả.
Ninh chung nhỏ lửa, bỏ bã thuốc, cho gạo tẻ 50-100g vào, nấu nhỏ lửa cho chín, nêm gia vị, uống thang ăn thịt. Dùng cho người thận hư, tiểu đêm nhiều.
3.3. Thuốc sắc bổ cốt chỉ đông trùng hạ thảo
Thành phần: Bổ cốt chỉ 12g, đông trùng hạ thảo 10g
Sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần uống trong ngày. Dùng cho người thận hư hen suyễn.
3.4. Bổ cốt chỉ tán (thuốc bột bổ cốt chỉ)
Thành phần: Bổ cốt chỉ 300g, nghiền bột mịn, uống ngày 3 lần, mỗi lần 3g. Chữa trẻ con đái dầm.
9 bài thuốc bổ dưỡng từ bổ cốt chỉ - Ảnh 3.
VỊ thuốc bổ cốt chỉ.
3.5. Bổ cốt chỉ hoàn (viên bổ cốt chỉ)
Thành phần: Bổ cốt chỉ 500g, mật ong 250g
Bổ cốt cho nghiền bột, nhào mật ong vê viên, mỗi viên nặng 10g. Uống ngày 2 lần, mỗi lần 1 viên với nước nhạt. Chữa bệnh bạch cầu giảm; tế bào bị giảm thiểu.
3.6. Bổ cốt chỉ hạch đào cao (cao bổ cốt chỉ, hồ đào)
Thành phần: Bổ cốt chỉ 300g, cùi hồ đào 600g, mật ong 300ml.
Cùi hồ đào giã nát, bổ cốt chỉ tẩm rượu hấp chín, phơi khô nghiền bột. Mật ong đun sôi, đổ bột hồ đào và bổ cốt chỉ vào, trộn đều, ngâm trong bình. Uống ngày 2 lần, mỗi lần 10g. Dùng cho người thận dương bất túc, liệt dương, hoạt tinh, xuất tinh sớm, tiển nhiều, lưng đau gối mỏi, ho lâu ngày, hen suyễn...
3.7. Bổ cốt chỉ chỉ tả thang (thang bổ cốt chỉ chữa tiêu chảy)
Thành phần: Bổ cốt chỉ 9g, ngũ vị tử 9g, nhục đậu khấu 9g, ngô thù du 3g.
Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần, chữa tiêu chảy lâu ngày.
3.8. Bổ cốt chỉ hồ đào hoàn (viên hồ đào bổ cốt chỉ)
Thành phần: Bổ cốt chỉ 400g, hồ đào nhân 20 quả, đỗ trọng 500g
Nghiền chung thành bột mịn, nhào mật ong hoàn viên. Uống lúc đói ngày 2 lần với nước pha giấm, mỗi lần 9g. Dùng cho phụ nữ bị chứng đau lưng sau khi sinh.
3.9. Bổ cốt chỉ bất lão hoàn (viên bổ cốt chỉ chống lão suy)
Thành phần: Bổ cốt chỉ 60g, phục linh 30g, một dược 15g
Nghiền chung thành bột, nhào mật ong vê viên, to bằng hạt ngô đồng. Uống mỗi lần 30 viên với rượu trắng. Công dụng: Định tâm, an thần kinh, bổ thận, chống lão suy.